Theo Khoản 13, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Kiểu dáng công nghiệp được định
nghĩa là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường
nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
1. Đối tượng của kiểu dáng công nghiệp
Qua định nghĩa trên thì đối tượng của kiểu dáng công nghiệp là hình dáng
bên ngoài của sản phẩm. Vì vậy, tập hợp các đặc điểm tạo dáng không gắn liền
với sản phẩm sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp.
Sản phẩm được hiệu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện,... được sản
xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng
rõ ràng, được lưu thông độc lập (ở
đây nói đến khả năng lưu thông độc lập).
Sản phẩm được coi là có khả năng lưu thông độc lập nếu là sản phẩm liền
khối, hoặc là bộ phận, chi tiết lắp ráp được với nhau để tạo thành một sản phẩm
hoàn chỉnh và tháp rời ra được.
Ví dụ: Chai nước có những bộ phận có khả năng lưu thông độc lập (nắp
chai, nhãn,... và chúng có khả năng cầm được trên tay) thì có thể đăng ký kiểu
dáng công nghiệp riêng đối với từng bộ phẩn đó; đối với hoa văn trên chai không
thể lưu thông độc lập, nếu muốn đăng ký hoa văn phải đăng ký luôn cả chai.
2. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với
danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc
tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có (ví dụ: ốc, vít,…);
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng
dân dụng hoặc công nghiệp;
Ngoại lệ của trường hợp này là công trình xây
dựng dưới dạng các mô đun có thể được chế tạo hàng loạt và lưu thông độc lập có
thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp (ví dụ: nhà lắp sẵn);
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được
trong quá trình sử dụng sản phẩm;
- Kiểu dáng công nghiệp gây phương hại tới
đạo đức, trật tự công cộng, quốc phòng, an ninh.
3. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi đáp ứng các
điều kiện sau đây: (1) Có tính mới; (2) Có tính sáng tạo; (3) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
* Điều kiện về tính mới
của kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới
nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp
đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ
hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước
ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
Kiểu dáng công nghiệp được coi có tính mới
nếu kiểu dáng công nghiệp chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô
tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài
trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công
nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
Vấn đề cần lưu ý ở đây là chính bản thân kiểu
dáng công nghiệp đó không được công khai trước ngày nộp đơn. Tính mới ở đây
mang tính chất tuyệt đối.
Ngoại lệ đối với tính mới: Kiểu
dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu đơn đăng ký kiểu dáng công
nghiệp được nộp trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày công bố trong các trường hợp
sau:
- Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố
nhưng không được phép của người có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
- Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền
đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
- Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền
đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia, triển lãm quốc tế chính thức
hoặc được thừa nhận là chính thức.
* Điều kiện về tính sáng
tạo của kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính
sáng tạo nếu không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết
trung bình về lĩnh vực tương ứng, căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được
bộc lộ công khai trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký
kiểu dáng công nghiệp.
Để đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp nêu
trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu
dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của từng kiểu dáng
công nghiệp đối chứng trùng lặp hoặc tương tự tìm được trong quá trình tra cứu
thông tin.
Trong
các trường hợp sau đây, kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là không
có tính sáng tạo:
- Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp đơn thuần của các
đặc điểm tạo dáng đã biết (các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai được
sắp đặt hoặc lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, thay đổi vị
trí, tăng giảm số lượng...);
- Kiểu dáng công nghiệp là sự thay thế một đặc điểm tạo
dáng đã biết bằng một đặc điểm tạo dáng đã biết khác;
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép đơn thuần
hình dáng của sản phẩm, công trình nổi tiếng;
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép/ mô phỏng
hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, động vật,…
- Kiểu dáng công nghiệp là sự mô phỏng đơn thuần hình
dạng của các hình học đơn giản;
- Kiểu dáng công nghiệp mô phỏng kiểu dáng công nghiệp
thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi (ví dụ: đồ
chơi mô phỏng ô tô, xe máy...).
Nếu không thuộc các trường hợp nói trên, kiểu dáng công
nghiệp được coi là có tính sáng tạo.
*
Điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng
áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có
hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp
hoặc thủ công nghiệp.
Đối tượng không có khả năng áp dụng công
nghiệp:
- Kiểu dáng công nghiệp là
hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (ví dụ: pháo hoa;
thuốc (kem) đánh răng,…);
- Kiểu dáng công nghiệp được tạo ra chủ yếu dựa vào các
vật liệu tự nhiên, không được xử lý hoặc gia công trước.
4.
Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
Mặc dù đáp ứng các điều kiện bảo hộ, kiểu dáng công
nghiệp vẫn có thể không được bảo hộ nếu trùng lặp hoặc không khác biệt đáng kể
với kiểu dáng công nghiệp nêu trong các đơn kiểu dáng công nghiệp đã nộp với
ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn.
Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là đáp ứng
nguyên tắc nộp đơn đầu tiên nếu không tìm thấy kiểu dáng công nghiệp trùng lặp
hoặc không khác biệt đáng kể nêu trong những đơn đã đáp ứng các điều kiện để
được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tìm được trong quá trình tra cứu
thông tin.
Kiểu dáng công nghiệp của bộ phận sản phẩm nêu trong đơn
cũng được coi là đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên nếu không tìm thấy kiểu
dáng công nghiệp trùng lặp hoặc không khác biệt đáng kể của bộ phận sản phẩm
và/ hoặc sản phẩm nêu trong những đơn đã đáp ứng các điều kiện để được cấp Bằng
độc quyền kiểu dáng công nghiệp tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.
Trong trường hợp có nhiều đơn khác nhau đăng ký kiểu dáng công nghiệp trùng nhau hoặc không khác biệt đáng kể với
nhau, cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công
nghiệp và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì kiểu dáng công
nghiệp nêu trong đơn vẫn được coi là đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy
định tại khoản 2 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ nếu tất cả những người nộp đơn
đạt được thỏa thuận về việc đứng tên người nộp đơn trong một đơn duy nhất trong
số các đơn đó để được cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.