UBND huyện Châu Thành tổ chức họp
bàn biện pháp phát triển cây đậu
xanh giống mới, chín đồng loạt để góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng vùng
nguyên liệu, phát triển chuỗi liên kết sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân
địa phương.
Những năm gần đây tình hình sản xuất
đậu xanh của nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành còn gặp một số khó khăn về
giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch. Trong khi các điều kiện tự nhiên thuận lợi
cho việc phát triển, bên cạnh đó huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Sóc Trăng
nói chung có nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm với sản phẩm bánh Pía, bánh
in... nổi tiếng, thị trường ngày càng mở rộng. Do đó, nhu cầu nguyên liệu bột đậu
xanh rất lớn (ước tính bột đậu xanh chiếm khoảng 40% trọng lượng bánh Pía). Đây
là điều kiện cho người dân phát triển cây đậu xanh, xây dựng chuỗi liên kết góp
phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thực hiện Kết luận của Trường trực Tỉnh
ủy Sóc Trăng tại Thông báo số 635-TB/TU ngày 12/9/2018 về việc thực hiện một số
dự án đầu tư trên địa bàn huyện Châu Thành, chiều ngày 18/10/2018, tại UBND huyện
Châu Thành, với sự chủ trì của ông Ngô Thanh Toàn- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu
Thành đã tổ chức họp bàn biện pháp phát
triển cây đậu xanh nhằm chuyển đổi giống mới trên vùng đất lúa theo mô hình 02
vụ lúa - 01 vụ màu và vùng chuyên màu, phù hợp với việc ứng phó với biến đổi
khí hậu, xâm nhập mặn vụ Xuân Hè hàng năm, nâng cao thu nhập cho người nông
dân.

Ảnh PGS.TS Trương Trọng Ngôn, Viện Công nghệ sinh học Trường Đại học Cần
Thơ giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật tại buổi họp
Theo các
chuyên gia về nông nghiệp, đậu xanh là cây thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Hạt đậu
xanh là nguồn cung cấp thực phẩm giàu đạm, đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng
cho con người, nguyên liệu thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, cây đậu xanh còn có
tác dụng tốt trong việc luân canh, xen canh, cải tạo đất và ứng dụng để chuyển
đổi cơ cấu cây trồng rất hiệu quả.
Trên những diện tích đất lúa thiếu nước, vận động bà con chuyển sang trồng đậu xanh, vừa đối phó
được nắng hạn, vừa tiết kiệm nước tưới mà còn có thu nhập ổn định, đồng thời còn giúp cải tạo đất rất tốt.
Khi áp dụng
đồng bộ nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ: giống đậu xanh mới, ngắn ngày,
chính đồng loạt ít nhiễm sâu bệnh, áp dụng cơ giới hóa thay cho lao động chân
tay từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng
chuỗi liên kết tại địa phương sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và phù hợp
với thị trường và tình hình hiện nay.